Buôn Đôn – Bản Đôn, cái tên này làm cách bạn có ấn tượng gì đầu tiên? Voi đúng không? Bởi từ nhỏ, ít nhất một lần bạn đã được nghe và hát theo câu hát này: “Chú voi con ở Bản Đôn, chưa có ngà nên còn trẻ con…” Đúng đấy, Bản Đôn có voi, ngoài ra còn có nhiều điều ngạc nhiên lắm. Ví dụ như con người nơi đây chẳng hạn, tôi đã đến, đã gặp và đã bị mê hoặc.

Ảnh: Trần Bảo Hoà
Con người Buôn Đôn nơi đây hiền lành cực kỳ, gặp ai cũng tươi cười chào, khách mà đến thì lại càng quý. Quý như thể anh em ruột thịt, quý đến mức chẳng cần biết đề phòng tốt xấu, gian tham.
Từ trẻ con, gặp người lạ là đôi mắt tròn xoe nhìn, trong veo, hồn nhiên đến lạ.

Ảnh: Trần Bảo Hoà
đến các cô gái, da nâu dòn, tóc xoăn nhẹ, đôi mắt sâu rợp hàng mi, vẻ đẹp cũng lạ lắm, không có đặc trưng riêng mà pha lẫn nhiều vùng miền, thậm chí cả ngoại lai, nhưng vẫn Việt Nam vô cùng.

Ảnh: Tuấn Dũng
Sáng sớm, các cô tụm năm tụm ba, rủ nhau giã gạo mang cơm lên rẫy, tiếng cười cứ trong vắt hoà vào những sợi nắng nhảy múa bên thềm, nhìn thôi đã thấy bữa cơm hôm ấy ngon lành.
Và các chàng trai, không to cao vạm vỡ, nhưng rắn chắc hùng dũng. Đôi mắt biết cười ấy, đôi tay thoăn thoắt trên nương ấy lại khoẻ và tinh anh trong mỗi chuyến săn voi hùng tráng. Nhanh mắt chọn con voi khôn, khoẻ mạnh, khéo léo tung sợi thòng lọng bắt giữ voi con, rồi bày binh bố trận phá vòng quây của đàn voi dữ, đem được voi về lại dịu dàng vuốt ve dạy dỗ voi nghe lời. Trong cái hình dáng ấy, mấy ai hiểu được, cảm nhận được qua chỉ cái nhìn.

Ảnh: Tuấn Dũng
Người Buôn Đôn – Bản Đôn không chỉ khiến người ta quý ở cái vẻ bề ngoài, mà còn ở nếp sống, nếp ăn nói tài tình. Chắc hiếm có nơi mà một cộng đồng đều biết thành thạo cả 4 thứ tiếng: tiếng Ê Đê, tiếng M’Nông, tiếng Lào, tiếng Việt. Cá biệt còn có các ông,các anh biết cả tiếng Campuchia nhờ đi qua lại với tỉnh Bundungari của Campuchia sát chân biên giới, biết cả tiếng Pháp nhờ ngày xưa làm việc cho thực dân Pháp đô hộ. Đi đường gặp nhau, người nói câu trước tiếng Ê đê, người trả lời bằng tiếng M’Nông, là bình thường. Đang hào hứng nói với nhau bằng tiếng M’Nông, lại xen vào đùa với nhau vài câu tiếng Lào, không có gì ngạc nhiên hết trơn.

Ảnh: Tuấn Dũng
Người ta sống cả bao đời như thế. Người Ê đê, M’Nông cứ yêu thương nhau, cưới xin, ma chay mà không hề có sự ngăn cách. Những năm cuối thập niên 80, khi Y Thu Knul ( người khai sinh ra vùng đất Buôn Đôn – Bản Đôn) dựa vào nghề săn voi và buôn bán voi, đã biến nơi đây thành thương cảng đường thuỷ nổi tiếng của Đông Dương, người Lào, người Campuchia nô nức sang đây thông thương, đổi chiêng ché lấy voi, trâu bò, thóc lúa Các chàng trai Lào vô tình lọt vào đôi mắt các cô gái nơi đây, thì theo chế độ mẫu hệ, bị “bắt” lại làm chồng và sinh sống luôn ở vùng này, thì dần hình thành nên cộng đồng người Lào tại Buôn Đôn – Bản Đôn.
Và đó cũng chính là câu trả lời cho câu hỏi “sao lại Buôn Đôn? Sao lại là Bản Đôn?”. Người địa phương quen gọi theo cách gọi của người Ê Đê, gọi nơi mình sinh sống là “Buôn”, người M’Nông, người Lào lại quen gọi là “Bản”. Còn chữ “Đôn” thì lại hoàn toàn theo tiếng Lào, có nghĩa là “Đảo”, do các thương lái gọi với nhau để nhận biết vùng đất này. Trong thị trường buôn bán trên sông, Bản Đôn lại là cái tên phổ biến. Sự khác biệt này cũng được ví như ngôn ngữ vùng miền mà tiếng Việt chúng ta hay có. Nên Buôn Đôn hay Bản Đôn, cũng đều là danh từ chỉ về vùng đất “làng đảo”, có những ngôi làng trù phú, mát mẻ nằm trên những hòn đảo lọt trong dòng sông Sêrepok hùng vỹ.

Ảnh: Tuấn Dũng
Sự ưu ái của thiên nhiên cộng với khí hậu ôn hoà cũng khiến cho con người nơi đây hiền hoà và thân thiện hơn, đáng yêu và đáng để gặp gỡ.
– Một bài viết của Nguyễn Lê Thanh Thảo